Khóa luận: Giải pháp PL về quản lý danh mục hoạt động tôn giáo

Thực trạng và giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

2.5. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

Xã hội đang ngày càng trở nên phát triển, cùng với đó là xu hướng thay đổi về cách thức hoạt động của các tổ chức tôn giáo. Vì vậy, hoàn thiện pháp luật về tôn giáo nói chung và các quy định về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo nói riêng là việc cấp thiết, cần có sự vào cuộc của các cấp Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành có liên quan. Để việc xây dựng, hoàn thiện pháp luật đối với các quy định về quản lý thông báo danh  mục hoạt động tôn giáo đạt hiệu quả cao, có tính ứng dụng và đóng góp cho việc nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, cần hoàn thiện các quy định theo những phương hướng sau đây:

Thứ nhất, cần hoàn thiện các quy định về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo theo hướng sửa đổi, bổ sung, phân loại cụ thể về các hoạt động cần phải lập danh mục thông báo, quy định rõ các hoạt động cần có kèm theo bản chương trình, kế hoạch hoạt động chi tiết kèm theo văn bản thông báo. Cùng với đó, cần ban hành quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, quy định về thanh tra đối với nội dung thực hiện pháp luật về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, cần sửa đổi các nghị định, thông tư hướng dẫn và các văn bản khác có liên quan sao cho phù hợp với các quy định mới, phù hợp với thực tiễn tình hình tôn giáo ở Việt Nam. Từ đó, nhằm nâng cao hiệu quả việc thực hiện hiện pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Thứ hai, xem xét và đối chiếu với các điều ước, cam kết quốc tế, đảm bảo quy định mới vẫn phải tuân thủ quyền tự do, tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân dân được quy định tại Điều 24 Hiến pháp 2013.

Dựa trên những nghiên cứu một số ý kiến của các chuyên gia từ các tài liệu tham khảo, kết hợp với các số liệu thực tế, tác giả xin đưa ra một số ý kiến kiến nghị một số giải pháp nhằm sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo như sau

2.5.1 Bổ sung quy định về các hoạt động tôn giáo phải nêu trong văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Hiện nay, thủ tục “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm” và thủ tục “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung” được quy định tại Điều 43 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, tuy nhiên Điều luật này chưa quy định rõ hoạt động nào cần phải thông báo, trong khi trên thực tế một cơ sở tôn giáo có thể có rất nhiều hoạt động trong một năm hoạt động, do luật chưa quy định rõ vấn đề này nên đã gây ra vấn đề vướng mắc khi các tổ chức thực hiện thông báo. Vì vậy, để thực hiện mục tiêu tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo thông qua văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, các nhà làm luật cần chú ý sửa đổi Điều 43 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016. Trong đó, cần nghiên cứu phân loại các hoạt động tôn giáo và hướng tới xây dựng quy định ngày càng chi tiết các hoạt động tôn giáo. Các hoạt động mà Nhà nước yêu cầu các tổ chức tôn giáo, tổ chức trực thuộc tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo phải thực hiện thông báo vừa phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về tôn giáo, vừa phải đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của các tổ chức, không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tổ chức. Theo đó, xin đề xuất sửa đổi bổ sung dựa trên ý kiến cá nhân của tác giả dựa trên quy định tại Điều 43 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 [22] quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo theo hướng như sau:

Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm đối với các hoạt động sau đây:

  • Các buổi giảng đạo, truyền đạo, truyền bá giáo lý tôn giáo dưới mọi hình thức và có sự tham gia của nhà tu hành và tín đồ được thực hiện tại cơ sở tôn giáo.
  • Các buổi sinh hoạt tôn giáo, thực hiện các cuộc lễ nghi có sự tham gia của nhà tu hành và tín đồ được thực hiện tại cơ sở tôn giáo.
  • Tổ chức các khóa tu, khóa lễ, buổi sinh hoạt tôn giáo tập trung có sự tham gia của nhà tu hành và tín đồ thực hiện tại tại cơ sở tôn giáo.

Ngày nay, việc các tổ cơ sở tôn giáo tổ chức các buổi giảng đạo, truyền đạo, sinh hoạt cho các tín đồ đã không còn quá xa lạ, tuy nhiên kể từ đại dịch Covid-19, xuất hiện thêm hình thức truyền đạo qua không gian mạng, dưới các hình thức: livestream, lớp giảng đạo online trên các ứng dụng họp online, đăng tải các nội dung số. Điều này khiến cho việc quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo trở nên phức tạp hơn. Như đã phân tích ở Chương 1, các tổ chức, cá nhân với ý đồ xấu thường lợi dụng các cuộc lễ nghi tôn giáo, các khóa lễ, cuộc giảng đạo có sự tham gia của nhiều tín đồ để truyền bá tư tưởng mê tín dị đoan, kích động ly khai, kích động bạo lực gây mất an ninh chính trị. Do đó, các hoạt động liên quan đến lễ nghi, truyền đạo đều phải nằm trong văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo để các cơ quan nhà nước biết và nắm được tình hình. Quy định bổ sung như trên mang tính bắt buộc, khi các tổ chức đã thông báo về hoạt động truyền bá, sinh hoạt tôn giáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, hoạt động đó được coi là hợp pháp. Giải pháp bổ sung quy định chi tiết hơn về các hoạt động mà tổ chức tôn giáo cần thông báo, có thể khắc phục tình trạng trước đây có nhiều hoạt động mà các tổ chức tôn giáo đã không thông báo hoặc thông báo nhưng không đầy đủ, ngoài ra còn giải quyết vấn đề vướng mắc, giúp các tổ chức nắm rõ được hoạt động nào cần phải thông báo với cơ quan nhà nước.

Đối với các quy định về nội dung của văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, ngoài tên tổ chức, tên các hoạt động tôn giáo, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động, cần quy định thêm hai nội dung sau:

  • Số lượng người tham gia dự kiến đối với văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung.
  • Văn bản đi kèm gồm kế hoạch tổ chức chương trình đối với thông báo tổ chức các buổi giảng đạo, truyền đạo, truyền bá giáo lý, các buổi thực hiện lễ nghi, các khóa tu, khóa lễ.

Vấn đề “số lượng người tham dự” và “kế hoạch tổ chức chương trình” có thể nói là hai yếu tố không kém phần quan trọng trong việc quản lý hoạt động tôn giáo. Trong đó, “số lượng người tham dự” phản ánh quy mô của hoạt động tôn giáo đó, “kế hoạch tổ chức chương trình” cho biết các hoạt động mà tổ chức dự định thực hiện. Từ đó, việc quản lý nước trở nên thuận lợi hơn. Đối với thẩm quyền tiếp nhận thông báo, thời hạn gửi văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm và thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung, có thể giữ nguyên theo quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016

Việc xây dựng quy định các hoạt động cần lập danh mục thông báo là vô cùng quan trọng, tuy nhiên ở cấp độ quy định của luật, không thể liệt kê hết toàn bộ hoạt động của các tôn giáo. Bên cạnh đó, luật cần giao nhiệm vụ cho Chính phủ và Bộ Nội vụ liên tục nghiên cứu, cập nhật, sửa đổi, phân loại hoạt động tôn giáo để có thể quy định chi tiết hơn nữa về các hoạt động tôn giáo mà tổ chức phải gửi văn bản thông báo tới cơ quan Nhà nước.

2.5.2 Ban hành quy định về xử xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm pháp luật về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Pháp luật Việt Nam hiện nay chưa có văn bản nào riêng biệt quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tôn giáo. Vì vậy, khi đã có các quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, Nhà nước cũng cần ban hành các chế tài xử phạt nhằm răn đe, thúc đẩy việc thực hiện các thủ tục hành chính đối với các tổ chức tôn giáo. Để hoàn thiện pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, cần tạo cơ sở pháp lý để xử phạt hành vi vi phạm, trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bổ sung 2020), xin đề xuất ý kiến hoàn thiện các quy định xử phạt hành chính đối với một số hành vi như sau:

  • Hành vi vi phạm quy định về thời hạn thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm, danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung.
  • Hành vi thực hiện các hoạt động không đúng với các hoạt động đã nêu trong văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.
  • Hành vi lợi dụng các giảng đạo, truyền đạo, truyền bá tôn giáo, sinh hoạt tôn giáo, khóa lễ, khóa tu nhằm truyền bá tư tưởng mê tín, dị đoan, trái với giáo lý, giáo điều của tôn giáo, đi ngược với thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
  • Hành vi lợi dụng các hoạt động tôn giáo khác nhằm thu lợi bất chính.
  • Hành vi giả mạo, mạo danh, người đứng đầu hoặc người đại diện tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo để thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo nhằm thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân.

Xuất phát từ thực tiễn thực hiện pháp luật, có rất nhiều tổ chức đã không thực hiện đúng theo quy định về thời hạn thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hoặc tổ chức các hoạt động tôn giáo mà không lập văn bản thông báo với cơ quan nhà nước. Từ đó, rất dễ xảy ra tình trạng lợi dụng hoạt động tôn giáo để thực hiện các hành vi trái pháp luật khác, gây hậu quả nghiêm trọng. Các quy định bổ sung về xử phạt hành chính như trên có vai trò răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm trong việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo của cá nhân, tổ chức, giúp Nhà nước quản lý hiệu quả hơn công tác quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Về quy trình ban hành, nội dung thẩm quyền, nội dung xử phạt, các hình thức xử phạt, mức xử phạt, và các quy định khác trong văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo căn cứ theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015 và Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012. Việc xây dựng quy định về xử phạt vi phạm hành chính nhằm răn đe, ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức, giúp Nhà nước quản lý hiệu quả hơn công tác quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

2.5.3 Sửa đổi, bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra nội dung thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

Hiện nay, Thông tư 04/2016/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành ngày 10/06/2016 là quy định hiện hành về thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo chưa có quy định về việc thanh tra đối với việc thực hiện hai nội dung:

  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm.
  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung.

Hơn nữa, Thông tư 04/2016/TT-BNV căn cứ vào Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18 tháng 6 năm 2004 và Nghị định số 92/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2012 là những văn bản quy phạm pháp luật đã hết hiệu lực. Vì vậy, cần bổ sung nội dung thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Điều này cho phép cán bộ, công chức, người làm công tác thanh tra chuyên ngành về tôn giáo có đủ cơ sở pháp lý để tiến hành kiểm tra các nội dung: thực hiện pháp luật về quản lý thủ tục, thực hiện pháp luật về quản lý thẩm quyền tiếp nhận, thực hiện pháp luật về quản lý sử dụng mẫu thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Như vậy, khi thực hiện thanh tra nội dung thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, đối tượng thanh tra ở đây sẽ bao gồm các tổ chức có nghĩa vụ thực hiện thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo và các chủ thể có thẩm quyền quản lý việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, cán bộ, công chức, người làm công tác thanh tra có thể thu thập thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện các quy định đối với thủ tục này để phục vụ cho công tác thanh tra. Khi bổ sung quy các quy định về thanh tra việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo sẽ góp phần phát hiện những vi phạm pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Bởi, qua hoạt động thanh tra, có thể phát hiện tổ chức nào thường xuyên thực hiện các hoạt động tôn giáo mà không có thông báo, kiểm tra các hoạt động tôn giáo đó có vi phạm pháp luật hay không, kiểm tra trách nhiệm của người có thẩm quyền. Đồng thời, công tác thanh tra nhằm mục đích định hướng các tổ chức thực hiện đúng quy định của pháp luật đối với thủ tục hành chính này. Song, công tác thanh tra còn có vai trò giúp phát hiện những vấn đề bất cập trong quy định của pháp luật từ đó kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khắc phục. Về thẩm quyền ban hành quyết định thanh tra, xây dựng và phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra, chỉ đạo cuộc thanh tra, ban hành kết luận thanh tra được xây dựng dựa trên Luật Thanh tra 2022 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

2.5.4 Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

Nhận thấy thực tế khi ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành, các tổ chức tôn giáo ban đầu chưa nắm bắt được các quy định mới, đặc biệt là quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố hướng dẫn, tuyên truyền pháp luật. Theo đó, Ban Tôn giáo Chính phủ và Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã triển khai xây dựng các kế hoạch, tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật hằng năm cho công chức làm công tác tôn giáo ở các địa phương trên cả nước, đồng thời tổ chức các buổi hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, đối tượng hướng đến là các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành là những người đứng đầu các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến vấn đề thực hiện các quy định về thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận, mẫu văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Theo Báo cáo “Công tác vận động, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo giai đoạn 2020-2023” của Ban Tôn giáo Chính phủ [8], tính từ 01/01/2020 đến 15/12/2023, Ban Tôn giáo Chính phủ đã phối hợp cùng Ban Tôn giáo các địa phương tại 25 tỉnh thành tổ chức hơn 30 lớp kiến thức bồi dưỡng kiến thức pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho gần 2500 cán bộ, công chức làm công tác tôn giáo ở các cấp, phát hành hơn 2000 bộ tài liệu về chính sách, pháp luật liên quan đến tôn giáo cho các học viên, tổ chức hơn 40 hội nghị tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật cho gần 90.000 vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ các tôn giáo khác nhau, phát hành gần 100.000 tài liệu cho đối tượng tham dự hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đối với bạn bè quốc tế và đồng bào tín đồ tôn giáo đang sinh sống ở nước ngoài, Ban Tôn giáo Chính phủ đặc biệt quan tâm và thường xuyên liên lạc, tổ chức các cuộc gặp mặt để trao đổi về quan điểm của Đảng và Nhà nước về việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân cũng như phổ biến các chính sách, pháp luật mới, trong đó đặc biệt chú ý đến các quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Bên cạnh đó, Ban Tôn giáo Chính phủ cũng giao các phòng chuyên môn phối hợp cùng hai đơn vị là Trang Thông tin điện tử và Tạp chí công tác Tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ để thường xuyên đưa tin cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành trực tiếp điều chỉnh lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Theo đó, cơ quan này cũng đã đẩy mạnh xây dựng chuyên mục “Hỏi – Đáp pháp luật” trên trang thông tin điện tử của Ban Tôn giáo Chính phủ, nhằm giải đáp các câu hỏi của độc giả về pháp luật liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, chuyên mục này có tới hơn 10 bài viết trả lời các câu hỏi liên quan đến thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Đồng thời, trang thông tin này thường xuyên đăng tải các tin tức, bài báo về quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về tôn giáo và cập nhật các văn bản quy phạm pháp luật và công khai các hoạt động trong quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo của Ban Tôn giáo Chính phủ.

Theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ và Ủy Ban nhân dân, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng giao nhiệm vụ cho Ban Tôn giáo các địa phương thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật dưới các hình thức: trực tuyến và trực tiếp. Ở các địa phương, Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ các tỉnh thường tổ chức các hội nghị, buổi tọa đàm, trao đổi về pháp luật tôn giáo cùng với sự tham gia của các vị chức sắc, chức việc là đại diện của các tổ chức tôn giáo cơ sở. Áp dụng công nghệ và các phương tiện điện tử, Ban tôn giáo một số tỉnh thành đã thực hiện tuyên truyền pháp luật qua các nhóm zalo cho người đại diện các tổ chức tôn giáo nhằm giúp họ cập nhật các thông tin pháp luật, văn bản chỉ đạo của các cấp, cập nhật các quy định mới về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, từ đó nhằm vận động, tuyên truyền các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật đối với thủ tục này.

Hiện nay, các thế lực thù địch thường lợi dụng niềm tin tôn giáo nhằm chống phá Đảng và Nhà nước, đặc biệt là lợi dụng lòng tin của đồng bào các dân tộc thiểu số. Xét trên phương diện quản lý nhà nước về tôn giáo, thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo là phương pháp hiệu quả nhất để ngăn chặn những hậu quả xấu. Nhận thức được điều này, các cơ quan Nhà nước vẫn luôn luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về tôn giáo cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên cả nước, chủ yếu tập trung vào các tỉnh miền núi Tây bắc, Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ, quan tâm tuyên truyền việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Kết luận chương 2

Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo là một thủ tục hành chính bắt đầu được áp dụng kể từ khi Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 có hiệu lực thi hành, được quản lý bởi các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo từ trung ương tới địa phương. Sau quá trình hơn 05 năm thực hiện, mặc dù các quy định về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo đã đạt được một số thành tựu nhất định, tuy nhiên cũng để lộ ra một số điểm hạn chế. Quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo từ xưa đến nay vẫn được cho là một vấn đề nhạy cảm đối với các cơ quan có thẩm quyền.

Vì vậy, việc sửa đổi và hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo cũng là một vấn đề khó khăn, đòi hỏi có ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong ngành, sự vào cuộc của các cấp Đảng, chính quyền, ý kiến đóng góp của người dân cả nước đặc biệt là đồng bào theo đạo. Trong chương này, tác giả đã có những ý kiến đóng góp dựa trên những nghiên cứu, hiểu biết và quan điểm cá nhân về việc sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo theo hướng hoàn thiện một cách đầy đủ và cụ thể hơn so với các quy định hiện hành. Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo cần được nghiên cứu, hoàn thiện, đánh giá một cách khách quan, chi tiết để đảm bảo các mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tránh để tạo điều kiện cho các thế lực xấu nắm bắt thời cơ lợi dụng các kẽ hở của luật để tiến hành các mục đích làm ảnh hưởng đến an ninh tôn giáo, an ninh quốc gia, gây mất đoàn kết dân tộc.

KẾT LUẬN

Trong lịch sử phát triển của đất nước ta, không thể phủ nhận những đóng góp của các tôn giáo trên nhiều phương diện, đặc biệt là đạo đức, văn hóa xã hội. Việt Nam là một quốc gia đa dạng tôn giáo và cũng là quốc gia trao cho nhân dân quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo dưới sự bảo hộ của Nhà nước. Tuy nhiên, khi đất nước đang trong quá trình xây dựng và phát triển lên chủ nghĩa xã hội không thể tránh khỏi những thế lực xấu với nhiều ý đồ khác nhau, có thể là những tổ chức phản động với ý đồ lợi dụng niềm tin tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người dân tham gia lật đổ chính quyền, có thể là những cá nhân, tổ chức muốn lợi dụng tôn giáo để đạt được lợi ích nhóm về mặt kinh tế hoặc những mục đích khác nhằm ngăn cản sự phát triển của đất nước ta. Vì vậy, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ấy phải nằm trong khuôn khổ pháp luật, dưới sự quản lý về mặt hành chính của các cơ quan Nhà nước. Trong đó, hoạt động tôn giáo là một vấn đề quan trọng mà Nhà nước đặc biệt quan tâm và đặt ra các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh, một trong số đó là phương pháp quản lý thông qua thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, đây có thể coi là một thủ tục hành chính bắt buộc được thực hiện bởi các tổ chức tôn giáo. Thủ tục này mới được bổ sung tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, thay thế cho thủ tục đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm theo Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo 2004. Thực tiễn thực hiện các quy định về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo đã mang lại một số kết quả tích cực, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, do là quy định mới nên việc thực hiện vẫn còn để xảy ra một số hạn chế nhất định cũng như quy định pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc cần có biện pháp khắc phục. Với những phân tích dựa trên cơ sở pháp lý, cơ sở lý luận, thực tiễn thực hiện pháp luật cùng những ý kiến đóng góp cá nhân trong, tác giả đã đưa ra ba giải pháp nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, một giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả trong quá trình quản lý đối với thủ tục này. Trên cơ sở đó, hy vọng đề tài sẽ trở thành một ý kiến đóng góp cho các nhà làm luật trong việc hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý hoạt động tôn giáo, đặc biệt là quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về vấn đề tôn giáo nói chung.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0906865464