Khóa luận: Thực trạng PL về quản lý danh mục hoạt động tôn giáo

Thực trạng và giải pháp hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

2.1. Các quy định pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

2.1.1 Quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo

Thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo được quy định tại Điều 43 Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 [22] như sau:

“1. Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày được công nhận, chấp thuận hoặc được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo theo quy định sau đây:

  1. Tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở một xã gửi thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp xã;
  2. Tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều xã thuộc một huyện gửi thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;
  3. Tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều huyện thuộc một tỉnh gửi thông báo đến cơ quan chuyên môn về tín ngưỡng, tôn giáo cấp tỉnh;
  4. Tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều tỉnh gửi thông báo đến cơ quan quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo ở trung ương.
  5. Văn bản thông báo nêu rõ tên tổ chức, tên các hoạt động tôn giáo, thời gian, địa điểm diễn ra hoạt động.
  6. Việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo diễn ra hằng năm chỉ thực hiện một lần. Đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì người đại diện tổ chức có trách nhiệm thông báo bổ sung theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chậm nhất là 20 ngày trước khi diễn ra hoạt động.”

Quy định này có chứa những nội dung sau đây liên quan đến việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo: các chủ thể có trách nhiệm thực hiện thông báo, các chủ thể có thẩm quyền tiếp nhận thông báo, nội dung cần có trong văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo và thời hạn thực hiện việc thông báo hằng năm và thông báo bổ sung.

2.1.2 Quy định của các văn bản hướng dẫn

Theo đó, ngoài quy định về tiếp nhận hồ sơ theo Điều 28 Nghị định 95/2023/NĐ-CP và mẫu văn bản “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm hoặc danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung” được quy định tại phụ lục “Danh mục các biểu mẫu” của Nghị định 95/2023/NĐ-CP, thủ tục “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo” còn nằm trong các quy định về các thủ tục hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng tôn giáo được quy định tại Danh mục ban hành kèm theo Quyết định số 179/QĐ-BNV [3]. Trong đó, các thủ tục về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo sau đây là thủ tục hành chính do các địa phương thực hiện thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Nội vụ và có đủ điều kiện để thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên toàn tỉnh:

  • Thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều huyện thuộc một tỉnh.
  • Thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung đối với tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều huyện thuộc một tỉnh.
  • Thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều xã thuộc một huyện.
  • Thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung đối với tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở nhiều xã thuộc một huyện.
  • Thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo đối với tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở một xã.
  • Thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung đối với tổ chức có địa bàn hoạt động tôn giáo ở một xã.

Ngoài ra, để áp dụng các quy định của pháp luật về thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã ban hành các Quyết định trong đó ghi nhận “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo” là một thủ tục hành chính trong lĩnh vực nội bộ và phân theo các cấp tỉnh, huyện, xã quản lý thực hiện.

2.2 Thực hiện pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.

2.2.1 Thực hiện pháp luật về quản lý thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

Theo công văn số 6955/BNV-TGCP của Bộ Nội vụ ban hành ngày 28/12/2020 [2]: tính đến tháng 12/2020, Việt Nam hiện có 16 tôn giáo đang hoạt động hợp pháp, được Nhà nước công nhận và cho phép hoạt động. Pháp luật của Việt Nam từ trước đến nay vẫn luôn khẳng định quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân đồng thời bảo hộ quyền tự do ấy. Theo đó, các tổ chức tôn giáo sau khi được nhà nước công nhận, chấp thuận, cấp chứng nhận đăng ký hoạt động đều có thể thực hiện các hoạt động truyền bá, sinh hoạt tôn giáo và quản lý tổ chức theo nhu cầu riêng.

Sau thời kì đổi mới, có thể nói hoạt động của các tổ chức tôn giáo đã phát triển mạnh mẽ hơn, cũng như số lượng tín đồ, người theo đạo, người tu hành, số lượng cơ sở tôn giáo đã tăng lên đáng kể. Đồng thời, dưới sự quản lý, chỉ đạo kết hợp tuyên truyền, phổ biến các quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo vẫn được các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo đảm bảo thực hiện đúng pháp luật. Theo Báo cáo “Tổng hợp tình hình thực hiện pháp luật về tôn giáo trên cả nước giai đoạn 2020-2023” của Ban Tôn giáo Chính phủ [9], cơ quan này đã tổng hợp số liệu từ báo cáo của Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố, trong đó ghi nhận: trong giai đoạn 2020-2023, các tổ chức tôn giáo đã được công nhận, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo đều đã nộp văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền với số liệu như sau:

  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm của các tổ chức tôn giáo: 36 tổ chức đã thực hiện thông báo, đạt tỷ lệ 100%.
  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm của các tổ chức tôn giáo trực thuộc: 20.127 tổ chức đã thực hiện thông báo, đạt tỷ lệ 68%.
  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm của tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo: 14 tổ chức đã thực hiện thông báo, đạt tỷ lệ 100%.
  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm của nhóm sinh hoạt được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung: 15 tổ chức đã thực hiện thông báo, đạt tỷ lệ 92%.

Số liệu trên cho thấy rằng, các tổ chức tôn giáo được cấp chứng nhận, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo, các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung có tỷ lệ gửi văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm cao hơn, do số lượng các tổ chức này khá ít và thường có trụ sở, địa điểm hoạt động đặt tại các thành phố lớn nên việc tiếp cận để tuyên truyền và phổ biến pháp luật thuận lợi hơn so với một số tổ chức tôn giáo trực thuộc có địa bàn hoạt động ở các vùng xa xôi, hẻo lánh, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Ngoài ra, do thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm chỉ thực hiện một lần duy nhất nên các tổ chức đều được hướng dẫn để thực hiện một cách nghiêm chỉnh, đảm bảo đúng quy định về thời hạn 30 ngày kể từ ngày được công nhận, chấp thuận hoặc được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Về trình tự thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm, các tổ chức đã nộp hồ sơ với đầy đủ văn bản thông báo. Việc nộp hồ sơ thông báo được thực hiện dưới hai hình thức là trực tiếp tại bộ phận một cửa và trực tuyến qua cổng dịch vụ công. Điểm chung của các văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo đó là chỉ thông báo việc tổ chức các cuộc lễ lớn, các buổi sinh hoạt tôn giáo có quy mô lớn. Bên cạnh đó, nếu tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động tôn giáo không có trong văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm, 20 ngày trước ngày tổ chức các hoạt động tôn giáo đó, các tổ chức có trách nhiệm gửi văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung đến cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận. Trong Báo cáo “Tổng hợp tình hình thực hiện pháp luật về tôn giáo trên cả nước giai đoạn 2020-2023” [9], tỷ lệ thực hiện thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung ở các cấp như sau:

  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung của các tổ chức tôn giáo: đã tiếp nhận 696 văn bản thông báo, đạt tỷ lệ 100%.
  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung của các tổ chức tôn giáo trực thuộc: đã tiếp nhận 98.933 văn bản thông báo, đạt tỷ lệ 98%.
  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung của tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo: đã tiếp nhận 210 văn bản thông báo, đạt tỷ lệ 97%.
  • Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung của nhóm sinh hoạt được chấp thuận đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung: đã tiếp nhận 232 văn bản thông báo, đạt tỷ lệ 95%.

Những số liệu trên cho thấy rằng tỷ lệ thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung của các tổ chức đang ở mức khá cao trong giai đoạn 20202023, điều này là hệ quả của việc tuyên truyền pháp luật một cách hiệu quả. Qua đó, các tổ chức tôn giáo đã ý thức được việc thực hiện thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung trước khi có các hoạt động tôn giáo. Hằng năm các tổ chức đều có những hoạt động tôn giáo riêng, vì vậy mà thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm và thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung được thực hiện rất nhiều lần.

2.2.2. Thực hiện pháp luật về quản lý thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

Trong giai đoạn 2020-2023, Bộ Nội vụ, UBND các tỉnh, thành phố đã xây dựng và ban hành các văn bản áp dụng pháp luật nhằm triển khai công tác thực hiện pháp luật về thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Trong đó, Bộ Nội vụ đã ban hành một số văn bản về kiểm soát, rà soát thủ tục hành chính, trong đó có nội dung rà soát, đánh giá việc thực hiện nhóm các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Bên cạnh đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cũng ban hành các kế hoạch theo dõi, kiểm tra tình hình thi hành pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh. Trong các văn bản kế hoạch, UBND các tỉnh có đề cập đến nội dung kiểm tra việc thực hiện thủ tục hành chính, bao gồm cả thủ tục “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm” và “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung”. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền quản lý hằng năm đều tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với việc thực hiện trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, bao gồm: trách nhiệm tiếp nhận và ra văn bản tiếp nhận hồ sơ, trách nhiệm báo cáo về việc tiếp nhận thủ tục “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm” và “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung”.

Theo Báo cáo “Tiếp nhận và xử lý Thủ tục Hành Chính giai đoạn 20202023” của Ban Tôn giáo Chính phủ [7], tính từ 01/01/2020 đến hết ngày 30/11/2023, số lượng văn bản thông báo danh mục động thông tôn giáo hằng năm và danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung trên cả nước được báo cáo về Ban Tôn giáo Chính phủ như sau:

Tên thủ tục Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận Tổng số hồ sơ nhận được theo từng năm Số hồ sơ đã tiếp nhận Số hồ sơ gửi sai thẩm quyền
2020 2021 2022 2023

Thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm

Ban Tôn giáo Chính phủ 30 20 15 0 60 5
Ban Tôn giáo cấp tỉnh 55 34 21 4 92 18
Phòng Tôn giáo cấp huyện 608 522 124 27 1155 126
Ủy ban nhân dân cấp xã 21.509 17.603 7.612 192 46.791 125

Thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung

Ban Tôn giáo Chính phủ 105 189 195 207 696 11
Ban Tôn giáo cấp tỉnh 120 142 175 195 632 24
Phòng Tôn giáo cấp huyện 1410 1620 2011 2920 7961 108
Ủy ban nhân dân cấp xã 20.522 22.507 22.745 25.704 91.478 212

Bảng 2.1 Thống kê số lượng hồ sơ thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

(Nguồn: Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ)

Bảng số liệu trên cho thấy việc tiếp nhận hai thủ tục hành chính về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo theo thẩm quyền của các cơ quan nhà nước. Số lượng văn bản thông báo có xu hướng nhiều hơn ở các cấp thấp hơn, do số lượng tổ chức tôn giáo trực thuộc thuộc thẩm quyền quản lý của các Phòng Tôn giáo cấp huyện và UBND cấp xã nhiều hơn so với các tổ chức thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh và Ban Tôn giáo Chính phủ. Theo đó, các cơ quan có trách nhiệm quản lý đã thực hiện theo đúng các kế hoạch về kiểm tra, rà soát việc tiếp nhận đối với các văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Theo bảng số liệu trên, có thể thấy rằng, số lượng hồ sơ văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm giảm dần trong giai đoạn 2020-2023 và có xuất hiện những hồ sơ gửi sai thẩm quyền, bởi trong giai đoạn năm đầu năm 2020, khi đó Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 chỉ mới được áp dụng trong thời gian hai năm, giai đoạn đó Nhà nước đang cố gắng vận động, tuyên truyền và phổ biến pháp luật cho các tổ chức tôn giáo. Bên cạnh đó một số thủ tục hành chính được quy định tại Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 đã có sự khác biệt so với Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo 2004. Cụ thể, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 đã bỏ quy định về đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm và đề nghị đối với Hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký. Vì vậy, trong giai đoạn này, một số tổ chức do chưa nắm được quy định mới nên thường xảy ra tình trạng thực hiện cả hai thủ tục: Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo và đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm. Vì vậy, trong giai đoạn đầu thực hiện các quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo theo quy định của Luật Tín ngưỡng Tôn giáo 2016 đã xuất hiện tình trạng gửi hồ sơ chưa đúng thẩm quyền. Theo đó, có những hồ sơ mà tổ chức chỉ cần gửi đến Ban Tôn giáo cấp tỉnh nhưng lại gửi đến Ban Tôn giáo

Chính phủ, có hồ sơ cần được gửi đến Ban Tôn giáo cấp tỉnh nhưng lại gửi đến Phòng Nội vụ cấp huyện và một số hồ sơ sai thẩm quyền khác mà các cơ quan nhận được. Đối với những hồ sơ gửi sai thẩm quyền, các công chức làm công tác tôn giáo đã hướng dẫn người đại diện của các tổ chức thực hiện đúng pháp luật hoặc hỗ trợ các tổ chức gửi văn bản thông báo tới đúng cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận. Cũng theo bảng số liệu trên, có thể thấy rằng ở giai đoạn năm 2022 và 2023, thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung đã tăng lên đáng kể, điều này là do vào đầu năm 2022 Việt Nam đã dập tắt cơ bản đại dịch Covid-19, đất nước dần đi vào “bình thường hóa”, vì vậy các cơ sở tôn giáo cũng bắt đầu hoạt động tôn giáo trở lại, có rất nhiều hoạt động chưa được thông báo trong văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm, vì vậy các tổ chức đã thực hiện thủ tục “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung”

Về thủ tục tiếp nhận hồ sơ, Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 không có quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải gửi văn bản phản hồi cho ý kiến đối với các văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Tuy nhiên, khi nhận được hồ sơ của tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần ra văn bản tiếp nhận hồ sơ. Trên thực tế, chưa ghi nhận trường hợp cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo vi phạm các quy định về tiếp nhận hồ sơ đối với thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, chưa xuất hiện vụ việc khiếu nại, tố cáo, phản ánh nào liên quan đến công tác tiếp nhận thủ tục hành chính về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Điều này cho thấy rằng, công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính đối với thủ tục này được thực hiện rất tốt, đóng góp tích cực vào việc nâng cao hiệu quả cho hoạt động quản lý nhà nước về tôn giáo.

2.2.3 Thực hiện pháp luật về quản lý sử dụng mẫu thông báo danh mục hoạt động tôn giáo theo pháp luật hiện hành

Đối với việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, hiện nay chỉ sử dụng theo mẫu B30 được quy định tại thuộc phụ lục Danh mục các biểu mẫu ban hành kèm theo Nghị định số 95/2023/NĐ-CP ban hành ngày 29 tháng 12 năm 2023 của Chính phủ. Theo Theo Báo cáo “Tổng hợp tình hình thực hiện pháp luật về tôn giáo trên cả nước giai đoạn 2020-2023” của Ban Tôn giáo Chính phủ [9], số liệu từ Ban Tôn giáo các số địa phương cho thấy, hiện nay, 100% các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo khi thực hiện thủ tục đều sử dụng đúng mẫu văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo được quy định tại Nghị định 95/2023/NĐ-CP. Qua khảo sát thực tế từ một số tổ chức tôn giáo thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Tôn giáo Chính phủ cho thấy, các tổ chức tôn giáo này ngoài gửi hồ sơ gồm mẫu B30 còn kèm theo kế hoạch chương trình cụ thể của các hoạt động tôn giáo được nêu trong văn bản thông báo. Cụ thể như sau:

STT Tên văn bản Tổ chức thực hiện Tên văn bản, tài liệu kèm theo
01 Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung: Về việc tổ chức Hội thảo Hòa thượng Danh Nhưỡng: Cuộc đời – Đạo nghiệp – Những đóng góp cho Đạo pháp và Dân tộc. Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Chương trình tổ chức Hội thảo.

– Số lượng khách mời, người tham gia.

02 Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung: Về việc tổ chức Hội thảo khoa học Công đức và đạo hạnh Tổ sư Như Hiển Chí Thiền Tổ đình Phi Lai: Hội tụ và lan tỏa. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Chương trình tổ chức Hội thảo.

 

03 Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung: Về việc Ban Thông tin và Truyền thông GHPGVN tổ chức chương trình chào mừng Đại lễ Vu lan 2023. Giáo hội Phật giáo Việt Nam – Kế hoạch tổ chức Đại lễ Vu lan

– Số lượng người tham gia

– Các hoạt động trong Đại lễ Vu lan

04 Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung: về việc tổ chức Lễ hội hành hương La Vang. Giáo hội Công giáo Việt Nam Chương trình cụ thể tổ chức Lễ hội.
05 Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung: về việc tổ chức Lễ Phục sinh. Giáo hội Công giáo Việt Nam Chương trình cụ thể tổ chức Lễ Phục sinh.
06 Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung: về việc tổ chức Lễ Rửa tội. Hội thánh Tin lành Việt Nam (miền Nam) Chương trình cụ thể tổ chức Lễ Rửa tội.
07 Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung: về việc tổ chức Lễ kỷ niệm khai đạo. Hội thánh Cao Đài Minh Chơn đạo Chương trình cụ thể tổ chức Lễ kỷ niệm khai đạo

Bảng 2.2 Khảo sát một số tổ chức tôn giáo về việc gửi tài liệu chi tiết khi thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

(Nguồn: Văn phòng Ban Tôn giáo Chính phủ)

Bảng số liệu khảo sát trên cho thấy rằng một số tổ chức không chỉ thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật về mẫu thông báo danh mục hoạt động tôn giáo mà còn thực hiện một cách cụ thể và chi tiết hơn. Điều này cho thấy rằng công tác vận động, tuyên truyền thực hiện pháp luật về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo đã đạt được những hiệu quả nhất định. Việc thực hiện chi tiết thông báo danh mục hoạt động tôn giáo giúp các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo nắm rõ hơn về tình hình hoạt động của các tổ chức, nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về hoạt động tôn giáo.

2.3 Đánh giá chung việc thực hiện pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo ở Việt Nam.

2.3.1 Ưu điểm

Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 về cơ bản có rất nhiều sự thay đổi về thủ tục hành chính so với các văn bản quy phạm pháp luật trước đó. Nếu Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định 92/2012/NĐ-CP yêu cầu các tổ chức tôn giáo cơ sở đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo trước ngày 15 tháng 10 hằng năm thì Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 không còn thủ tục đó nữa, thay vào đó các tổ chức tôn giáo thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm hoặc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung. Khi quy định mới có sự thay đổi như vậy, một số tổ chức tôn giáo trực thuộc ban đầu chưa nắm rõ được quy định, vì thế vẫn còn gửi các văn bản đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo năm cho cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, sau quá trình Chính phủ và các cơ quan ban ngành triển khai đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 và Nghị định 162/2017/NĐ-CP, chúng ta đã đạt được rất nhiều kết quả tích cực:

Thứ nhất, phát hiện kịp thời các hiện tượng lợi dụng tôn giáo để trục lợi thông qua việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Việc thực hiện các quy định pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo đã phát huy hiệu quả trong phòng chống tội phạm lợi dụng tôn giáo vào mục đích xấu, giúp phát hiện hành vi sai trái của một số cá nhân, tổ chức, các thế lực thù địch lợi dụng để dụ dỗ, tuyên truyền, lôi kéo người dân vào các mục đích chính trị. Theo đó, khi các tổ chức tôn giáo thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Nhà nước có thể nắm bắt được các hoạt động tôn giáo sắp diễn ra. Qua văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo cũng có thể phát hiện các hoạt động khả nghi, nghi ngờ lợi dụng danh nghĩa truyền bá tôn giáo để kích động tư tưởng, truyền bá thông thông tin sai lệch về Đảng và Nhà nước, lôi kéo người dân vào các mục đích bất hợp pháp hoặc lợi dụng hoạt động tôn giáo để trục lợi với mục đích kinh doanh, thương mại. Từ đây, cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và báo cáo cho các cấp lãnh đạo để kịp thời phòng ngừa, phát hiện và xử lý đối với các hành vi sai phạm. Bên cạnh đó, các hành vi lợi dụng tôn giáo vào các mục đích xấu cũng có thể được phát hiện kịp thời trong trường hợp các tổ chức đã được cấp chứng nhận đăng ký, các tổ chức tôn giáo được công nhận nhưng không thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo mặc dù thực hiện rất nhiều hoạt động tôn giáo trong một năm hoạt động.

Thứ hai, việc thực hiện tốt quy định pháp luật về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính

Trước khi Quốc hội ban hành Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 có hiệu lực thi hành từ 01-01-2018, vấn đề quản lý hoạt động tôn giáo và các thủ tục hành chính về tôn giáo đang được áp dụng theo Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo 2004 và Nghị định 92/2012/NĐ-CP. Theo đó, các hoạt động tôn giáo diễn ra tại cơ sở tôn giáo so sánh giữa các quy định mới và cũ như sau:

Các quy định Theo quy định của Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 Theo quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo 2004
Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung Đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm Hoạt động ngoài chương trình đã đăng ký

Về số lần thực hiện

Chỉ thực hiện một lần kể từ ngày được công nhận, chấp thuận, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo Thực hiện chậm nhất 20 ngày trước khi diễn ra hoạt động Trước ngày 15 tháng 10 hằng năm Trước khi diễn ra hoạt động
Về việc chấp thuận các hoạt động tôn giáo Không cần sự phản hồi của cơ quan Nhà nước Không cần sự phản hồi của cơ quan Nhà nước Nếu sau 15 ngày UBND cấp xã không có ý kiến thì được phép tiến hành Phải được UBND cấp tỉnh hoặc cấp huyện chấp thuận

Bảng 2.3 So sánh các quy định pháp luật về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

Qua bảng so sánh trên, có thể thấy được sự khác biệt giữa quy định đối với thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo ở hai thời kỳ trước và sau khi có Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016. Theo đó, trước khi có Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Nghị định 92/2012/NĐ-CP, hoạt động tôn giáo phải được đăng ký mỗi năm một lần, hoạt động ngoài chương trình đã đăng ký phải có sự chấp thuận của các cấp chính quyền. Tuy nhiên, Luật Tín ngưỡng tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP (được thay thế bởi Nghị định 95/2023/NĐ-CP từ ngày 30/03/2024) đã đơn giản hóa thủ tục này, thủ tục “Đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm” được thay thế bằng thủ tục “Thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm” và chỉ thực hiện một lần, các tổ chức chỉ cần gửi văn bản thông báo và cơ quan tiếp nhận ra văn bản tiếp nhận. Ngoài ra, nếu trong năm hoạt động, tổ chức tôn giáo có phát sinh thêm hoạt động thì chỉ cần gửi văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung. Đây có thể coi là một sự hiệu quả trong xây dựng và thực thi chính sách pháp luật về tôn giáo, giúp các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc dễ dàng hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước.

2.3.2 Hạn chế

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, không thể phủ nhận việc thực hiện pháp luật về quản lý danh mục thông báo hoạt động hoạt động tôn giáo vẫn còn để lộ nhiều vấn đề hạn chế như sau.

Thứ nhất, luật hiện hành chưa có các quy định cụ thể về các hoạt động tôn giáo cần nêu trong văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, vì vậy các tổ chức gặp vướng mắc trong việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung.

Đối với việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm, hiện nay Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 chỉ yêu cầu các tổ chức thông báo một lần duy nhất sau khi được công nhận, chấp thuận hoặc được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Trên thực tế, các tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc hoặc một cơ sở tôn giáo ở địa phương có rất nhiều hoạt động diễn ra hằng năm, vì thế các tổ chức thường gặp khó khăn trong việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm. Cụ thể, một số tổ chức tôn giáo gửi văn bản thông báo với rất nhiều các hoạt động, bao gồm cả các hoạt động sinh hoạt thường ngày. Bên cạnh đó, một số tổ chức chỉ thực hiện thông báo đối với một hoặc hai hoạt động lớn trong năm. Trong báo cáo “Tổng hợp tình hình thực hiện pháp luật về tôn giáo trên cả nước giai đoạn 2020-2023” [9] của Ban Tôn giáo Chính phủ, trong đó, tổng hợp ý kiến kiến nghị từ Ban tôn giáo một số địa phương như sau: “Đối với thủ tục “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm” và “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung”, rất nhiều tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc không nắm được những hoạt động nào cần phải thông báo, những hoạt động nào không cần thực hiện thông báo. Do hiện nay Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 chưa quy định cụ thể vấn đề này nên cán bộ làm công tác tôn giáo ở các địa phương chưa có cơ sở pháp lý để hướng dẫn người dân thực hiện”.Theo đó, các văn bản quy phạm pháp luật như: Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, Nghị định 95/2023/NĐ-CP của Chính phủ, các Thông tư hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật khác đều không nêu quy định cụ thể các hoạt động cần phải gửi văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, quy định về các hoạt động tôn giáo phải lập danh mục thông báo theo mẫu B30 Nghị định 95/2023/NĐ-CP cũng có thể trùng với các hoạt động tôn giáo khác mà theo quy định phải lập văn bản thông báo. Từ đó dẫn đến vấn đề vướng mắc chung mà đa số các tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc đều gặp phải đó là không biết nên lập danh mục thông báo những hoạt động nào để đúng và đủ theo quy định của pháp luật. Nhìn chung, mỗi tổ chức sẽ có những hoạt động khác nhau, vì vậy khó có thể phân loại và quản lý một cách thống nhất các hoạt động tôn giáo.

Thứ hai, hiện nay chưa có chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với một số tổ chức cố ý thực hiện không đúng các quy định về thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo 

Sau hơn 06 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016, các quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo luôn được cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền vận động, tuyên truyền, hướng dẫn. Tuy nhiên, ở các địa phương vẫn xuất hiện tình trạng các tổ chức tôn giáo thực hiện không đúng các quy định về thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Trong báo cáo “Tổng hợp tình hình thực hiện pháp luật về tôn giáo trên cả nước giai đoạn 2020-2023” của Ban Tôn giáo Chính phủ [9] đã nêu rõ: Ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Quảng Nam, Điện Biên, Hà Tĩnh, Tây Ninh, Bình Thuận thường có tình trạng một số tổ chức tôn giáo và tổ chức tôn giáo trực thuộc thực hiện rất nhiều hoạt động tôn giáo mỗi năm nhưng trong nhiều năm liền không thực hiện việc thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung, mặc dù các tổ chức đó đã được chính quyền địa phương, các đoàn thanh tra, kiểm tra, cán bộ làm công tác tôn giáo thường xuyên nhắc nhở nhiều lần về việc thực hiện thủ tục thông báo nói trên. Điều này dẫn đến việc các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương rất khó nắm bắt hoạt động của các tổ chức tôn giáo, từ đó công tác quản lý trở nên kém hiệu quả hơn.

Trên thực tế, do chưa có cơ chế xử phạt hành chính nên đã có rất nhiều hành vi vi phạm khác như: có trường hợp các tổ chức đã vi phạm thời hạn thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, thực hiện thủ tục thông báo muộn hơn so với thời hạn quy định hoặc không thực hiện thông báo; có những trường hợp tổ chức tôn giáo thông qua các buổi giảng đạo, truyền đạo, sinh hoạt tôn giáo, khóa lễ, khóa tu nhằm truyền bá tư tưởng mê tín, dị đoan hoặc có đích thu lợi bất hợp pháp. Không những vậy, có trường hợp cá nhân đã giả mạo, mạo danh, người đứng đầu hoặc người đại diện của tổ chức để thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo từ đó thực hiện các hành vi gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, khi có trường hợp vi phạm về hoạt động tôn giáo xảy ra hiện nay chỉ có thể áp dụng quy định xử phạt trong các văn bản quy định xử phạt hành chính ở các lĩnh vực khác như: các điều khoản xử phạt khi vi phạm quy định về nếp sống văn hóa tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.

Có trường hợp tổ chức tôn giáo trực thuộc đã tiến hành một số hoạt động tôn giáo nhưng thực hiện không đúng quy định về thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung, đến khi cơ quan Thanh tra thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện thanh tra thì phát hiện có hoạt động chưa được nêu trong thông báo, văn bản thông báo thực hiện không đúng quy định về thời hạn. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở địa phương cũng không nắm được tình hình hoạt động của tổ chức này. Vụ việc diễn ra vào cuối năm 2023, liên quan đến hành vi vi phạm quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung  tại chùa Ba Vàng (thuộc thành phố Uông Bí, Tỉnh Quảng Ninh). Trích lời của bà Nguyễn Thị Định, Trưởng Phòng Thanh tra – pháp chế thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ được đăng tải trên trang thông tin của báo Tuổi Trẻ [26]: “Theo báo cáo của Ban Tôn giáo tỉnh Quảng Ninh, nội dung Lễ kính mừng 765 năm Phật hoàng Trần Nhân Tông đản sinh đã được chùa Ba Vàng thông qua Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, ngày 18-12-2023, chùa Ba Vàng lập văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo gửi Ủy ban nhân dân thành phố Uông Bí và các cơ quan chức năng của địa phương. Theo văn bản này, địa điểm tổ chức tại chùa Ba Vàng và thời gian tổ chức từ ngày 22 đến ngày 24/12/2023. Trong thông báo này của chùa Ba Vàng có bổ sung nội dung “cung rước xá lợi Phật”, không nêu rõ là xá lợi gì. Bên cạnh đó, nhà chùa chỉ thực hiện thông báo 06 ngày trước khi tổ chức, trong khi tại khoản 3 điều 43 của Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 có quy định: Đối với hoạt động tôn giáo không có trong danh mục đã thông báo thì người đại diện tổ chức có trách nhiệm thông báo bổ sung theo quy định chậm nhất là 20 ngày trước khi diễn ra hoạt động. Bên cạnh đó, chùa Ba Vàng cũng không tuân thủ thời gian tổ chức như đã thông báo là từ ngày 22 đến 24-12-2023, mà tổ chức từ ngày 22 đến 27-12-2023”. Như vậy là cơ sở tôn giáo trên đã thực hiện không đúng quy định pháp luật về thời hạn phải thông báo trước 20 ngày đối với thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung. Vụ việc trên được coi là điển hình cho thấy hạn chế trong việc thực hiện các quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Về mặt xã hội, vấn đề thực hiện không đúng các quy định pháp luật về thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo có thể dẫn đến tình trạng có thể một số cơ sở tôn giáo, tổ chức trực thuộc tổ chức tôn giáo thực hiện các hoạt động không đúng theo Hiến Chương tôn giáo đó hoặc có các hành vi trái quy định pháp luật từ đó gây xôn xao dư luận, làm ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận người dân tin theo tôn giáo, ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, đối với công tác quản lý Nhà nước và tổ chức tôn giáo.

Thứ ba, hiện nay chưa có quy định về thanh tra nội dung “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Vì vậy chưa có cơ sở kiểm tra đối với một số tổ chức sử dụng không đúng mẫu thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Công tác thanh tra chuyên ngành tôn giáo hiện tại đang được áp dụng theo Thông tư 04/2016/TT-BNV. Tuy nhiên, có thể thấy rằng Thông tư này đã không còn phù hợp khi áp dụng vào thực tiễn bởi được xây dựng căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật về tôn giáo đã hết hiệu lực là Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo 2004 và Nghị định 92/2012/NĐ-CP. Theo đó, Thông tư 04/2016/TT-BNV không có quy định thanh tra đối với nội dung thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Do vậy, khi xây dựng và tiến hành các cuộc thanh tra, cơ quan thanh tra không có cơ sở pháp lý để thực hiện thanh tra đối với nội dung trên. Các hành vi vi phạm quy định về thực hiện thủ tục, sử dụng mẫu thông báo danh mục hoạt động tôn giáo thường chỉ được phát hiện khi các Đoàn Thanh tra tiến hành thanh tra mở rộng, hoặc nhận được thông tin báo cáo, kiến nghị về vi phạm của tổ chức. Do không có cơ sở pháp lý để thanh tra, kiểm tra có thể dẫn đến hậu quả đó là bỏ lọt các hành vi vi phạm, bỏ lọt tội phạm, không phát hiện ra những sai phạm trong việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo của các tổ chức tôn giáo.

Bên cạnh đó, mặc dù Chính phủ, Bộ Nội vụ, Ban Tôn giáo Chính phủ và chính quyền các địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhưng vẫn còn tình trạng một số tổ chức tôn giáo ở địa phương sử dụng sai mẫu văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Qua khảo sát thực tế ở ba tỉnh thành là Hải Phòng, Nam Định và Tây Ninh, một số cơ sở tôn giáo không áp dụng mẫu B30 là mẫu áp dụng cho thủ tục “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo hằng năm” và thủ tục “thông báo danh mục hoạt động tôn giáo bổ sung” quy định tại Nghị định 95/2023/NĐ-CP. Thay vào đó, họ sử dụng mẫu văn bản “đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm” và mẫu văn bản “đề nghị hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký” theo quy định tại Điều 24, Điều 25 Nghị định 92/2012/NĐ-CP, trong khi đó Nghị định 92/2012/NĐ-CP là một văn bản đã hết hiệu lực từ ngày 0101-2018 và được thay thế bởi Nghị định 162/2017/NĐ-CP (đến ngày 30-03-2024 áp dụng Nghị định 95/2023/NĐ-CP). Tổng hợp kết quả khảo sát như sau:

  • Trên địa bàn tỉnh Nam Định, trong giai đoạn 2020-2023, Ban Tôn giáo tỉnh Nam Định đã nhận được 92 văn bản “đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm” và 79 văn bản “đề nghị hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký”.
  • Trên địa bàn thành phố Hải Phòng, chỉ trong giai đoạn 2020-2023, có tới 49 văn bản “đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm” và 38 văn bản “đề nghị hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký” được gửi tới Ban Tôn giáo thành phố.
  • Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2020-2023, có tới 69 văn bản “đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hằng năm” và 54 văn bản “đề nghị hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký” được gửi tới Ban Tôn giáo tỉnh.

Những số liệu trên cho thấy rằng một số tổ chức tôn giáo trực thuộc thuộc quản lý của ba địa phương được khảo sát đang thực hiện sai các quy định về mẫu văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Đây có thể coi là một trong những vấn đề còn hạn chế trong việc thực hiện các quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Để đạt được mục tiêu tối ưu hiệu quả quản lý nhà nước về tôn giáo thông qua việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, trước hết cần định hướng các tổ chức thực hiện đúng quy định về hình thức, sử dụng đúng mẫu văn bản theo quy định pháp luật.

2.3.3 Nguyên nhân của những hạn chế

Thứ nhất, do khó khăn trong việc phân loại hoạt động tôn giáo nên chưa có cơ sở để quy định các hoạt động tôn giáo phải lập danh mục thông báo.

Hiện nay có nhiều ý kiến cho rằng rất khó để cụ thể hóa các hoạt động tôn giáo phải lập danh mục thông báo, vì một cơ sở của một tôn giáo có rất nhiều hoạt động tôn giáo trong một năm, trong khi đó Việt Nam hiện nay đã công nhận có tới 16 tôn giáo khác nhau. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo có thể bao gồm các hoạt động thường niên, các hoạt động thường ngày và các hoạt động phát sinh. Do vậy, chúng ta cần có thời gian nghiên cứu, đánh giá, phân loại các hoạt động tôn giáo phải được nêu rõ văn bản thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, để phân loại một cách bao quát các hoạt động tôn giáo, cần tổ chức các cuộc điều tra khảo sát, lấy ý kiến của các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo từ đó xây dựng một báo cáo chi tiết về tình hình hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Vì những lí do trên, hiện tại chưa thể đề xuất sửa đổi quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Thứ hai, cần thời gian nghiên cứu để đề xuất ban hành quy định về xử phạt hành chính đối hành vi vi phạm việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Đối với vấn đề hiện nay cũng không có văn bản nào quy định riêng về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo dẫn đến chưa có quy định xử phạt khi tổ chức tôn giáo vi phạm quy định về thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Trích lời Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà được đăng tải trên báo Dân Trí ngày 03/01/2024 [19]: “Sau khi Luật tín ngưỡng tôn giáo được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2016, Bộ đã tham mưu Chính phủ xây dựng dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo, Bộ Nội vụ nhận được nhiều ý kiến tham gia, phản hồi về tác động xã hội và hiệu quả của việc ban hành nghị định. Một trong các chủ thể bị xử phạt vi phạm là cá nhân tôn giáo (có chức sắc, chức việc, nhà tu hành) sẽ tạo ra dư luận không tốt trong xã hội, dễ bị các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Ngày 01-06-2022, Bộ Nội vụ đã có tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, Bộ cũng nêu rõ quan điểm về vấn đề ban hành nghị định như sau: “Sau 03 năm triển khai thi hành Luật và Nghị định số 162/2017/NĐ-CP cho thấy, bên cạnh việc tuân thủ các quy định pháp luật của cá nhân, tổ chức có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo cũng còn có những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo. Trong đó, do chưa có quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo nên nhiều hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo chưa được xử lý hoặc không thể xử lý”. Trả lời phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam với các câu hỏi liên quan về việc ban hành nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo [25], Thứ trưởng Bộ Nội vụ Vũ Chí Thắng đã nêu quan điểm như sau: “Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định, Bộ Nội vụ nhận được nhiều ý kiến khác nhau của chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tổ chức tôn giáo và cơ quan tham mưu quản lý nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như các cấp chính quyền địa phương ở nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các ý kiến đều đề nghị cân nhắc, thận trọng khi quy định về đối tượng áp dụng, về hình thức xử phạt, về thẩm quyền xử phạt. Mặc dù Nghị định mới ở giai đoạn dự thảo, xin ý kiến nhưng một số đối tượng, phần tử ở nước ngoài đã cho rằng, bằng Nghị định này, chính quyền tăng cường kiểm soát hoạt động của các tổ chức tôn giáo, hạn chế quyền tự do tôn giáo.”

Như vậy, theo quan điểm của Chính phủ cũng như các nhà nghiên cứu về chính sách tôn giáo, nguyên nhân chưa có quy định xử phạt hành chính là do các cơ quan cần có thời gian để sơ kết đánh giá việc thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 để ban hành các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tôn giáo, cũng như các quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, cần thêm thời gian để có thể tổ chức thu thập và tổng hợp ý kiến từ các tổ chức tôn giáo, các vị chức sắc, chức việc, nhà tu hành của các tôn giáo và người dân nói chung thông qua các cuộc tọa đàm, nói chuyện trực tiếp hoặc mở rộng các nền tảng dữ liệu điện tử để có thể tiếp thu ý kiến từ thư điện tử gửi về Bộ Nội vụ, công tác này mất khá nhiều tài lực, nhân lực, vật lực và thời gian. Do nhiều nguyên nhân khách quan như vậy dẫn đến việc chưa thể ban hành quy định về xử phạt hành chính đối với tôn giáo nói chung và thông báo danh mục hoạt động tôn giáo nói riêng.

Thứ ba, do chưa có báo cáo tổng hợp một cách toàn diện về công tác thanh tra đối với nội dung thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Từ những báo cáo thanh tra của các Đoàn Thanh tra thuộc Ban Tôn giáo Chính phủ, Thanh tra Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho thấy, hiện nay không có báo cáo đánh giá hay số liệu thống kê nào chi tiết về nội dung thanh tra việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo, không có báo cáo đánh giá nào về tính cấp thiết của việc sửa đổi quy định về thanh tra đối với thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Vì vậy, chưa có cơ sở để sửa đổi, bổ sung nội dung thanh tra việc thực hiện thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở các cấp cũng cần có thời gian thu thập số liệu đánh giá, thống kê, lấy ý kiến về tình hình thực hiện các cuộc thanh tra chuyên ngành trong lĩnh vực tôn giáo trên cả nước để từ đó tìm ra các hạn chế trong việc thực hiện thủ tục thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Do đó, chưa có cơ sở đề xuất dự thảo về sửa đổi các quy định thanh tra về nội dung thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

2.4. Quan điểm của Đảng và Nhà nước về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo

Kể từ ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đảng và Nhà nước ta vẫn luôn quan tâm đến các vấn đề về tôn giáo, với quan điểm rằng: tín ngưỡng và tôn giáo luôn là nhu cầu về tinh thần chính đáng của nhân dân, tín ngưỡng và tôn giáo đã, đang và sẽ luôn đồng hành cùng dân tộc trong suốt quá trình xây dựng đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Mặt khác, Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành rất nhiều văn kiện về vấn đề tôn giáo, trong đó phải kể đến:

  • Nghị quyết số 24 NQ/TW ngày 16 tháng 10 năm 1990 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa VI ban hành.
  • Chỉ thị số 66-CT/TW ngày 26 tháng 11 năm 1990 về việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về “Tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới” do Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa VI ban hành.
  • Thông báo số 145-TB/TW ngày 15 tháng 6 năm 1998 về Kết luận của Bộ Chính trị về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới do Văn phòng Trung ương Đảng ban hành.
  • Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 02 tháng 7 năm 1998 Về công tác tôn giáo trong tình hình mới do Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ban hành.
  • Nghị quyết số 25 NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX ban hành.
  • Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội năm 1991 (Bổ sung, phát triển năm 2011).

Qua những văn kiện trên, có thể thấy rằng, Đảng ta vẫn luôn chú trọng đến việc thực hiện công tác tôn giáo trong thời kì đổi mới xây dựng đất nước. Ngoài ra, trong các văn kiện của Đảng luôn nhấn mạnh việc thực hiện các chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân, không có sự phân biệt giữa người theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Trong Mục 5 Phần II Nghị quyết số 25 NQ/TW do Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IX ban hành [1], trong đó, Bộ Chính trị đã nêu rõ quan điểm về vấn đề truyền đạo như sau:

“Mọi tín đồ đều có quyền tự do hành đạo tại gia đình và cơ sở thờ tự hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Các tổ chức tôn giáo được Nhà nước thừa nhận được hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ, được hoạt động tôn giáo, mở trường đào tạo chức sắc, nhà tu hành, xuất bản kinh sách và giữ gìn, sửa chữa, xây dựng cơ sở thờ tự tôn giáo của mình theo đúng quy định của pháp luật.

Việc theo đạo, truyền đạo cũng như mọi hoạt động tôn giáo khác đều phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; không được lợi dụng tôn giáo tuyên truyền tà đạo, hoạt động mê tín dị đoan, không được ép buộc người dân theo đạo. Nghiêm cấm các tổ chức truyền đạo, người truyền đạo và các cách thức truyền đạo trái phép, vi phạm các quy định của Hiến pháp và pháp luật.”

Qua đây, có thể thấy được chủ trương, cách thức nhìn nhận của Đảng ta đối với vấn đề hành đạo, theo đạo, truyền đạo, xây dựng, xuất bản, mở trường đào tạo. Đây chính là những hoạt động tôn giáo, và quan điểm trên cũng liên quan đến việc quản lý hoạt động tôn giáo. Đảng nêu quan điểm rằng các tôn giáo được hoạt động tôn giáo và phải chấp hành đúng quy định của pháp luật, trong đó có các quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Ngoài ra, Nghị quyết số 25 NQ/TW [1] cũng nêu ra vấn đề tăng cường quản lý nhà nước về tôn giáo, cụ thể tại Mục 3 Phần IV như sau: “ Đối với hội đoàn tôn giáo, thực hiện theo nguyên tắc mọi tổ chức tôn giáo phải được Nhà nước công nhận và hoạt động theo quy định của pháp luật.”. Qua đây, có thể thấy rằng, Đảng luôn quan tâm đến việc chỉ đạo, hướng dẫn, tuyên truyền việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động tôn giáo, trong đó có các quy định về quản lý thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Từ những quan điểm của Đảng về chính sách tôn giáo, quản lý hoạt động tôn giáo, Nhà nước ta đã cụ thể hóa các quan điểm đó thông qua việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tôn giáo. Theo đó, ngày 18 tháng 6 năm 2004, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh về tín ngưỡng, tôn giáo [27]. Đây được coi là văn bản quy phạm pháp luật đã cụ thể hóa các vấn đề được nêu trong Nghị quyết số 25 NQ/TW. Tại Điều 5 Pháp lệnh này [27], Nhà nước cũng nêu rõ quan điểm: “Nhà nước bảo đảm quyền hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật; tôn trọng giá trị văn hoá, đạo đức tôn giáo; giữ gìn và phát huy những giá trị tích cực của truyền thống thờ cúng tổ tiên, tưởng niệm và tôn vinh những người có công với nước, với cộng đồng nhằm góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân”. Tiếp đó, nhằm hướng dẫn chi tiết Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo 2004, Chính phủ ban hành Nghị định 22/2005/NĐ-CP, sau đó thay thế bởi Nghị định 92/2012/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2013. Tuy nhiên, năm 2016, Luật Tín ngưỡng tôn giáo ra đời thay thế cho Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo 2004, văn bản Luật này đã có nhiều sự thay đổi hơn so với Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo 2004, đặc biệt là xuất hiện quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo. Sau khi Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2016 ra đời, Chính phủ đã ban hành Nghị định 162/2017/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết Luật. Đến năm 2024, Nghị định 162/2017/NĐ-CP được thay thế bởi Nghị định 95/2023/NĐ-CP, quy định chi tiết hơn một số vấn đề về quản lý hoạt động tôn giáo. Từ đó, có thể thấy Đảng và Nhà nước ta rất tôn trọng việc thực hiện hoạt động tôn giáo của các tổ chức đồng thời luôn tạo điều kiện để các tổ chức thực hiện điều đó. Nhà nước luôn nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, đồng thời hướng dẫn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức tôn giáo, đặc biệt là các quy định về thông báo danh mục hoạt động tôn giáo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0906865464