Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng

Chia sẻ chuyên mục Đề tài Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng hay nhất năm 2025 cho các bạn học viên ngành đang làm luận văn tham khảo nhé. Với những bạn chuẩn bị làm bài luận văn tốt nghiệp thì rất khó để có thể tìm hiểu được một đề tài hay, đặc biệt là các bạn học viên đang chuẩn bị bước vào thời gian lựa chọn đề tài làm luận văn thạc sĩ thì với đề tài Khóa luận: Quy định pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam dưới đây chắc hẳn sẽ cho các bạn cái nhìn tổng quát hơn về đề tài này.

MỞ ĐẦU

1. Tính cấp thiết của đề tài

Lãi suất không chỉ là công cụ thiết yếu và nhạy cảm trong việc điều hành chính sách tiền tệ của mỗi quốc gia, mà lãi suất còn thể hiện là giá cả của việc sử dụng vốn của hoạt động tín dụng. Sự biến động của lãi suất sẽ tác động đến quá trình sản xuất, đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Trong giai đoạn hiện nay, khi hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều hướng về mô hình kinh tế thị trường thì vai trò của lãi suất ngày càng nổi bật, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nền kinh tế. Chính vì những ảnh hưởng của lãi suất trong đời sống hàng ngày của mỗi quốc gia mà đa số các nước đều tìm cách sử dụng pháp luật để tác động vào lãi suất bằng những cách khác nhau để đạt được mục tiêu quản lý của mình. Điều này cho thấy việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với lãi suất nói chung và lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại (NHTM) nói riêng là điều cần thiết và không thể phủ nhận. Ở Việt Nam, vấn đề lãi suất đã được Nhà nước quy định trong các văn bản pháp luật. Trải qua thời gian, các quy định về lãi suất đã được điều chỉnh để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, đáp ứng được những nhu cầu đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế trong từng thời kỳ. Do tầm quan trọng cũng như ảnh hưởng của lãi suất đến nền kinh tế, đặc biệt lãi suất ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của NHTM, việc điều hành lãi suất thông qua các quy định của pháp luật cũng không tránh khỏi những hạn chế trong thực tiễn áp dụng do vậy nghiên cứu đề tài liên quan đến lãi suất là cần thiết. Xuất phát từ những vấn đề mang tính thời sự của lãi suất, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Quy định pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam” để làm đề tài khóa luận tốt nghiệp của mình.

2. Mục đích nghiên cứu Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

Trên cơ sở hệ thống những vấn đề lý luận cơ bản và thông qua việc phân tích đánh giá thực trạng các quy định của pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM ở Việt Nam, thực tiễn áp dụng các quy định đó trong hoạt động kinh doanh của NHTM để chỉ ra những ưu điểm cũng như những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục việc áp dụng các quy định về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM; từ đó đưa ra một số định hướng nhằm hoàn thiện pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM ở Việt Nam.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Khóa luận tập trung nghiên cứu và đánh giá các quy định hiện hành về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM ở Việt Nam. NHTM được thực hiện rất nhiều các hoạt động ngân hàng khác nhau nhưng chủ yếu và đặc trưng nhất vẫn là hoạt động huy động vốn và cho vay, trong hoạt động đó vai trò của lãi suất huy động và lãi suất cho vay là rất quan trọng. Khóa luận văn đi sâu vào phân tích các quy định liên quan đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay của NHTM, quy định về các lãi suất mà Ngân hàng Trung ương (NHTW) sử dụng để thực thi chính sách tiền tệ có ảnh hưởng gián tiếp đến lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay của NHTM, các quy định liên quan đến thanh tra, giám sát tuân thủ quy định về lãi suất. Thực tiễn áp dụng các quy định về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM những điểm tích cực và hạn chế từ thực tiễn áp dụng pháp luật, trên cơ sở đó nêu ra hướng hoàn thiện pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM tại Việt Nam.

4. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp khoa học được sử dụng trong toàn bộ khóa luận là phương pháp luận, chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử để đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng các quy định của pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM. Ngoài ra, để hoàn thành mục đích nghiên cứu, khóa luận cũng sử dụng nhiều phương pháp cụ thể như: phương pháp hệ thống, phương pháp phân tích và tổng hợp, phương pháp luật học so sánh, phương pháp lịch sử để làm rõ các luận điểm nghiên cứu trong đề tài. Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

5. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

Khóa luận đã cập đến các vấn đề lý luận, thực tiễn của pháp luật về lãi suất trong hoạt động của các tổ chức tín dụng mà chủ yếu là của NHTM, mà đặc trưng là lãi suất huy động vốn và lãi suất cho vay. NHTM là một doanh nghiệp kinh doanh đặc thù, không chỉ thực hiện hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHTW. Vì vậy, cần thiết ban hành cơ sở pháp lý an toàn để điều chỉnh lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM.

Khóa luận được nghiên cứu trong bối cảnh đã có nhiều văn bản luật về ngân hàng được ban hành. Cụ thể là Luật NHNN năm 2010, Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và cùng với các chính sách tiền tệ được thay đổi liên tục. Khóa luận đã đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM, cũng như điều hành lãi suất thay đổi cho phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội của đất nước.

  • Cụ thể:

Thứ nhất, làm sáng tỏ một số vấn đề lý luận về lãi suất, khái niệm, phân loại lãi suất cũng như cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương (NHTW); nguyên tắc điều chỉnh, nội dung pháp luật về lãi suất.

Thứ hai là phân tích, đánh giá thực trạng các quy định pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của  NHTM, quá trình áp dụng các quy định này trong thực tiễn có phù hợp hay không. Những ưu điểm đã đạt được khi áp dụng các quy định của pháp luật, cũng như các quy định này có bất cập gì khi thực hiện trên thực tế không đem lại hiệu quả như mong muốn.

Thứ ba là sau khi đã nghiên cứu về lý luận cũng như thực trạng pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM kết hợp với thực tế các NHTM đã áp dụng lãi suất trong hoạt động kinh doanh của mình như thế nào, để có thể tìm ra cơ sở định hướng cho việc khắc phục những bất cập của các quy định này đồng thời tiếp tục xây dựng pháp luật về lãi suất cho phù hợp với thời kỳ phát triển của đất nước.

6. Bố cục của khóa luận

Ngoài Phần mở đầu, Kết luận, Danh mục tài liệu tham khảo, Khóa luận gồm ba chương:

  • Chương 1: Những vấn đề lý luận về lãi suất và khái quát nội dung điều chỉnh pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam
  • Chương 2: Thực trạng pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam
  • Chương 3: Định hướng và một số giải pháp hoàn thiện pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại ở Việt Nam Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

CHƯƠNG 1: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ LÃI SUẤT VÀ KHÁI QUÁT NỘI DUNG PHÁP LUẬT ĐIỀU CHỈNH VỀ LÃI SUẤT TRONG HOẠT ĐỘNG KINH DOANH CỦA NGÂN HÀNG THƯƠNG MẠI Ở VIỆT NAM

1.1 Những vấn đề lý luận về lãi suất

1.1.1 Khái niệm về lãi suất

 Một trong những đặc trưng của hoạt động tín dụng là sau một thời gian nhất định người đi vay vốn phải hoàn trả cho người cho vay một lượng giá trị lớn hơn giá trị ban đầu. Lãi suất phản ánh mối quan hệ giữa chủ thể sử dụng vốn (người vay vốn) với chủ thể sở hữu vốn (người cho vay) theo nguyên tắc hoàn trả có kỳ hạn kèm theo lãi ở thị trường vốn ở một thời điểm nhất định. Nhà kinh tế học Marshall (1890) trong tác phẩm “Principles of Economis” (Những nguyên lý kinh tế học) đã viết: “Lãi suất chỉ giá phải trả cho việc sử dụng vốn trên một thị trường bất kỳ”.

Khi nhìn nhận ở các khía cạnh khác nhau, nhìn chung khái niệm lãi suất tương đối thống nhất và không có quá nhiều khác biệt.

Dưới góc độ kinh tế, lãi suất tín dụng là tỷ lệ phần trăm giữa tổng số lợi tức thu được và tổng số tiền cho vay trong một khoảng thời gian nhất định (ngày, tuần, tháng, quý, năm…); hay là giá cả của quyền được sử dụng vốn vay trong một khoảng thời gian nhất định mà người sử dụng phải trả cho người sở hữu nó.

Theo Từ điển Luật học: Lãi suất là tỷ lệ phần trăm tính trên vốn đầu tư để xác định lãi của người đầu tư.

Như vậy, có thể hiểu một cách chung nhất lãi suất là giá cả của khoản vay được tính trên tỷ lệ phần trăm (%) giữa số tiền phải trả so với khoản tiền vay và được xác định trong một khoảng thời gian nhất định (thường được tính theo ngày, tháng, quý, năm).

1.1.2 Phân loại lãi suất Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

Hiện nay, có nhiều tiêu chí để phân loại lãi suất. Dưới góc độ luật học, lãi suất tín dụng ngân hàng được phân loại dựa trên các căn cứ chủ yếu sau:

  • Căn cứ vào loại hình tín dụng
  • Căn cứ vào thời hạn tín dụng
  • Căn cứ vào mức độ ổn định của lãi suất
  • Căn cứ vào thời hạn áp dụng

1.1.2.1 Phân loại theo loại hình tín dụng ngân hàng (phân loại theo chủ thể tham gia quan hệ tín dụng ngân hàng)

Quan hệ tín dụng ngân hàng bao gồm: quan hệ giữa NHTM với công chúng và doanh nghiệp trong việc cho vay và huy động vốn, trong hoạt động tái cấp vốn của NHTW cho các NHTM và trong quan hệ giữa các NHTM với nhau trong thị trường liên ngân hàng. Đối với mỗi quan hệ khác nhau thì có các loại lãi suất khác nhau mang tính đặc thù riêng:

  • Lãi suất huy động: là lãi suất mà các ngân hàng và các tổ chức tín dụng (TCTD) khác đưa ra khi huy động tiền gửi và là loại lãi suất quy định tỉ lệ lãi phải trả cho các hình thức nhận tiền gửi của khách hàng.
  • Lãi suất cho vay: là lãi suất người đi vay phải trả cho ngân hàng do việc sử dụng vốn vay của ngân hàng; được áp dụng để tính lãi mà khách hàng phải trả cho ngân hàng.
  • Lãi suất chiết khấu: là lãi suất áp dụng khi ngân hàng cho khách hàng vay dưới hình thức chiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác chưa đến hạn thanh toán và thỏa mãn các điều kiện chiết khấu theo quy định.
  • Lãi suất tái chiết khấu: là lãi suất cho vay ngắn hạn của NHTW đối với NHTM và các TCTD khác dưới hình thức chiết khấu lại các giấy tờ có giá chưa đến thời hạn thanh toán.
  • Lãi suất tái cấp vốn: là lãi suất cho vay ngắn hạn của NHTW áp dụng với NHTM và các TCTD khác dưới hình thức cho vay lại theo hồ sơ tín dụng giữa khách hàng và TCTD.
  • Lãi suất bình quân liên ngân hàng: là lãi suất được tính bằng trung bình lãi suất các khoản cho vay trong thời gian ngắn giữa các ngân hàng với nhau. Về bản chất đây là lãi suất cho vay giữa các ngân hàng với nhau và hầu như chỉ dựa trên tín chấp, nó phản ánh khá rõ thanh khoản trong ngắn hạn của hệ thống ngân hàng.
  • Lãi suất cơ bản: Tại mỗi quốc gia sẽ có những quy ước cụ thể khác nhau về lãi suất cơ bản và với những tên gọi khác nhau nhưng đều chung một bản chất đó là định hướng lãi suất thị trường.

Tại Việt Nam, lãi suất cơ bản là lãi suất chỉ áp dụng đối với đồng Việt Nam, do NHNN công bố, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng ấn định lãi suất kinh doanh. Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

1.1.2.2 Phân loại thời hạn áp dụng lãi suất trong hợp đồng tín dụng

Dù cho vay ở hình thức nào thì ngân hàng đều đưa ra mức lãi suất trong hạn và lãi suất quá hạn để xác định nghĩa vụ trả lãi của khách hàng vay,

  • Lãi suất trong hạn: không được quy định cụ thể về khái niệm trong văn bản pháp luật nhưng có thể hiểu là tỷ lệ nhất định mà bên vay phải trả cho bên cho vay tính trên số tiền đã vay tương ứng với thời hạn mà các bên đã thỏa thuận.
  • Lãi suất quá hạn: chỉ phát sinh khi tồn tại khoản nợ quá hạn, là tỷ lệ phần trăm tính trên nợ gốc mà bên vay phải trả cho bên cho vay tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi suất quá hạn thường cao hơn lãi suất đúng hạn do được áp dụng đối với người vay vi phạm nghĩa vụ về thời hạn. Sau thời hạn mà bên vay không trả hoặc trả không đủ số tiền vay thì bên cho vay có quyền tính lãi dựa trên lãi suất quá hạn theo đúng như thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.

1.1.2.3 Phân loại theo mức độ ổn định của lãi suất

Khi thỏa thuận lãi suất trong hạn, các bên có thể thỏa thuận lãi suất cố định hoặc lãi suất thả nổi để áp dụng trong hợp đồng tín dụng.

Lãi suất cố định: là lãi suất cho vay được ấn định một mức cụ thể trong hợp đồng vay vốn tín dụng. Theo đó, lãi suất cho vay sẽ không thay đổi trong suốt thời gian vay vốn tại ngân hàng, bất chấp những biến động lãi suất trên thị trường. Thông thường lãi suất cố định được áp dụng trong trường hợp lãi suất thị trường tương đối ổn định

Lãi suất thả nổi (lãi suất điều chỉnh) là lãi suất cho vay được điều chỉnh theo định kỳ, do vậy nó thay đổi theo thời gian. Mức điều chỉnh và kỳ điều chỉnh lãi suất sẽ theo thỏa thuận giữa khách vay và ngân hàng (không được trái với quy định của pháp luật) và được ghi rõ trên hợp đồng vay vốn. Lãi suất thả nổi được điều chỉnh theo lãi suất tham chiếu hoặc theo chỉ số lạm phát nên nó không cố định trong suốt thời hạn vay. Thông thường, kỳ điều chỉnh lãi suất là 3 hoặc 6 tháng/lần, một số ngân hàng điều chỉnh 1 năm/lần. Lãi suất thả nổi thường được áp dụng trong các thời kỳ lãi suất thị trường biến động nhiều, khó dự đoán chính xác chiều hướng cũng như mức độ biến động lãi suất.

1.1.2.4 Phân loại theo thời hạn tín dụng

Căn cứ vào thời hạn tín dụng, lãi suất được chia thành lãi suất ngắn hạn, lãi suất trung hạn và lãi suất dài hạn

  • Lãi suất ngắn hạn: là lãi suất áp dụng với khoản tín dụng ngắn hạn có thời gian không quá 1 năm.
  • Lãi suất trung hạn: là lãi suất áp dụng với khoản tín dụng trung hạn có thời gian từ 1 năm đến 5 năm.
  • Lãi suất dài hạn: là lãi suất áp dụng với khoản tín dụng dài hạn có thời gian từ 5 năm trở lên.

1.1.3 Cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

1.1.5.1 Khái niệm và nội dung cơ chế điều hành lãi suất

Cơ chế điều hành lãi suất của NHTW là tổng thể những chủ trương, chính sách và giải pháp cụ thể của NHTW  nhằm kiểm soát và điều tiết lãi suất trên thị trường tiền tệ, tín dụng trong từng thời kỳ nhất định. Điều hành lãi suất của NHTW có thể được thực hiện theo ba hướng: điều hành lãi suất trực tiếp, điều hành lãi suất gián tiếp và điều hành lãi suất kết hợp giữa trực tiếp và gián tiếp.

Cơ chế can thiệp trực tiếp là việc NHTW quản lý thống nhất lãi suất đối với nền kinh tế, thông qua các hình thức quản lý lãi suất của các NHTM đối với nền kinh tế, quy định mức lãi suất cho vay tối đa hoặc tiền gửi tối thiểu của các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế. Trong phạm vi lãi suất được phép, các NHTM được quyền ấn định mức lãi suất kinh doanh phù hợp.

Khi có các thay đổi về kinh tế vĩ mô, NHTW có thể xem xét để điều chỉnh giới hạn lãi suất tối đa ở mức hợp lý.

Theo cách thức điều hành lãi suất, cơ chế điều hành trực tiếp gồm: cơ chế ấn định lãi suất (NHTW công bố tất cả các loại lãi suất, các NHTM đều phải thực hiện một cách tuyệt đối) và cơ chế khống chế lãi suất (NHTW quy định mức lãi suất tối đa và mức lãi suất tối thiểu tạo nên khung lãi suất giới hạn trần lãi suất và sàn lãi suất để các NHTM ấn định lãi suất kinh doanh).

Cơ chế can thiệp gián tiếp (cơ chế tự do hóa lãi suất): Thông qua cơ chế tái cấp vốn (chiết khấu, tái chiết khấu,…) NHTW vẫn thực hiện quản lý gián tiếp lãi suất kinh doanh của NHTM đối với nền kinh tế.

Cơ chế này được thực hiện theo hai nguyên tắc: NHTW chỉ công bố các mức lãi suất áp dụng đối với các khoản cho vay tái chiết khấu hoặc cho vay cầm cố các chứng từ có giá của mình đối với các tổ chức tín dụng. Các mức lãi suất tiền gửi và cho vay cụ thể theo từng kỳ hạn, từng đối tượng của các NHTM đối với nền kinh tế sẽ do tổ chức tín dụng tự ấn định, dựa trên cơ sở cung – cầu về vốn và sự cạnh tranh trên thị trường, từ đó hình thành nên các mức lãi suất phản ánh đúng yêu cầu của thị trường.

Khi muốn điều chỉnh lãi suất kinh doanh của NHTM đối với nền kinh tế, phù hợp với mục tiêu của chính sách tiền tệ trong từng giai đoạn, NHTW sẽ thực hiện thông qua việc điều chỉnh lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay cầm cố chứng từ có giá của mình đối với các NHTM, từ đó tác động đến lãi suất kinh doanh của NHTM đối với các chủ thể trong nền kinh tế.

1.1.5.2 Kinh nghiệm điều hành lãi suất của Ngân hàng Trung ương của một số nước

Nghiên cứu kinh nghiệm điều hành lãi suất của NHTW châu Âu (ECB), Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED), NHTW Trung Quốc, NHTW Nhật Bản,.. có thể rút ra một số bài học: Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

Một là, việc điều hành lãi suất được thực hiện theo hai cơ chế: điều hành trực tiếp và điều hành gián tiếp, khi hệ thống tài chính càng phát triển thì cơ chế điều hành lãi suất trực tiếp sẽ được thay thế bằng cơ chế điều hành gián tiếp.

Hai là, NHTW các nước vẫn công bố lãi suất chủ đạo của mình, làm định hướng cho thị trường tiền tệ.

Đối với các hoạt động liên quan đến vai trò của NHTW, các mức lãi suất phổ biến được công bố và nền kinh tế quan tâm là lãi suất chiết khấu (như ở Mỹ, Nhật…), lãi suất Repo (như ở Anh,…) hoặc lãi suất can thiệp (Pháp – thời kỳ trước năm 2001).

Các mức lãi suất của NHTM áp dụng đối với nền kinh tế mang tính quản lý trực tiếp của NHTW như khung lãi suất, trần lãi suất, lãi suất tiền gửi tối thiểu,… đã từng được thực hiện ở các nước Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam.

Các mức lãi suất thị trường mang tính tham khảo (lãi suất cơ bản): lãi suất quỹ dự trữ liên bang của Mỹ (FFR), lãi suất liên ngân hàng thị trường London (LIBOR), lãi suất liên ngân hàng thị trường Singapore (SIBOR),…

1.2 Khái quát pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

1.2.1 Nguyên tắc điều chỉnh pháp luật về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại là một trong các tổ chức tài chính trung gian quan trọng nhất của nền kinh tế, là “cầu nối” giữa người dư thừa về vốn và người có nhu cầu về vốn. Ngân hàng thương mại thực hiện hoạt động kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận. Nhưng bên cạnh đó Ngân hàng thương mại cũng thực hiện chức năng của mình trong việc điều hành chính sách tiền tệ của NHTW để đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng cũng như thực thi các mục tiêu mà NHTW hướng tới để ổn định lạm phát, tăng trưởng kinh tế. Lãi suất là một trong những yếu tố không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh của NHTM, chính vì vậy mà NHTM đã thực hiện nhiều biện pháp, chính sách về lãi suất để thu hút khách hàng. Để đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống ngân hàng, quyền lợi của cá nhân, tổ chức kinh tế thì vai trò quản lý và điều tiết của Nhà nước về lãi suất là không thể thiếu được. Nhà nước thực hiện vai trò này thông qua công cụ là pháp luật. Pháp luật phải kịp thời phản ánh, ghi nhận và điều chỉnh lãi suất sao cho phù hợp với tình hình phát triển của nền kinh tế, mục tiêu của chính sách tiền tệ cũng như đảm bảo quyền lợi của các chủ thể trong nền kinh tế. Do ảnh hưởng của lãi suất và vai trò của nó đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của các NHTM nói riêng là rất lớn  nên việc điều chỉnh bằng pháp luật về lãi suất cũng dựa trên những nguyên tắc nhất định.

1.2.1.1 Nguyên tắc đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh

Trong nền kinh tế thị trường, quyền tự chủ và tự do trong kinh doanh của các chủ thể được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Tự chủ kinh doanh được hiểu là việc các chủ thể hoạt động ngân hàng tự mình đưa ra các quyết định, nhân danh chính bản thân mình để thực hiện các hành vi vi phạm pháp lý trong khuôn khổ pháp luật và tự chịu trách nhiệm về những hành vi đó.

Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 đã quy định khá cụ thể về việc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các TCTD: TCTD có quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh và tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của mình. Không một tổ chức cá nhân nào được can thiệp trái pháp luật vào quyền tự chủ kinh doanh của TCTD, TCTD có quyền từ chối yêu cầu cấp tín dụng, cung ứng các dịch vụ khác nếu thấy không cần thiết, không có hiệu quả, không phù hợp với pháp luật.

Lãi suất là một trong những yếu tố chủ chốt trong việc hình thành lên giá cả của các sản phẩm dịch vụ mà ngân hàng cung ứng cho các khách hàng. Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

Với việc chuyển sang điều hành lãi suất theo cơ chế thị trường, pháp luật đã cho phép ngân hàng có quyền tự mình quyết định giá cả của các sản phẩm, dịch vụ do mình cung cấp cho thị trường. Điều đó thể hiện ở việc ngân hàng có quyền tự do thỏa thuận với khách hàng về lãi suất; Ngân hàng có quyền tự chủ trong việc quyết định mức lãi suất đối với từng khách hàng, áp dụng các mức lãi suất khác nhau đối với các khách hàng khác nhau trong các hợp đồng tín dụng. Việc áp dụng các mức lãi suất này dựa trên mức độ cung-cầu về vốn, mức độ tín nhiệm của ngân hàng đối với khách hàng.

Như vậy, suy cho cùng, đảm bảo quyền tự chủ trong việc quyết định lãi suất áp dụng trong các sản phẩm, dịch vụ mà ngân hàng cung ứng cho khách hàng cũng chính là đảm bảo quyền tự do kinh doanh của ngân hàng. Quyền tự do kinh doanh được pháp luật tôn trọng và bảo vệ vì nếu không có sự đảm bảo này thì bản thân các ngân hàng khó có thể tồn tại và phát triển.

1.2.1.2 Nguyên tắc đảm bảo thực thi chính sách tiền tệ

Chính sách tiền tệ là một công cụ chính sách quan trọng mà Chính phủ các nước cũng như Việt Nam sử dụng để điều tiết kinh tế. Với những đặc thù về cơ chế, thể chế và sự phát triển của thị trường ở các mức độ khác nhau, từng quốc gia có thể sử dụng linh hoạt các công cụ để đạt được mục tiêu đặt ra của chính sách. Luật NHNN năm 2010, đã xác định khuôn khổ chính sách tiền tệ, trong đó có đề cập đến việc quyết định sử dụng các công cụ, biện pháp để thực hiện mục tiêu mà chính sách tiền tệ đề ra.

Trong nền kinh tế thị trường, lãi suất và sự biến động về lãi suất đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất, đầu tư, kinh doanh… của các chủ thể của nền kinh tế. Bên cạnh đó, lãi suất còn có mối quan hệ chặt chẽ đối với lạm phát, tỷ giá hối đoái. Lãi suất có vai trò tích cực trong việc phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia. Tuy vậy, bên cạnh vai trò tích cực, lãi suất cũng có những mặt trái của nó. Để hạn chế những tác động không mong muốn do biến động của lãi suất trên thị trường tín dụng và thị trường liên ngân hàng đối với chỉ tiêu lạm phát và tăng trưởng kinh tế; vai trò điều tiết quản lý của Nhà nước là quyết định. Do vậy, với vai trò là một trong những công cụ đắc lực của Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất cần phải đảm bảo sự điều hành quản lý của nhà nước để thực hiện các mục tiêu của chính sách tiền tệ. Đây cũng chính là nguyên tắc đặc thù của khung pháp lý trong hoạt động của thị trường nói chung và thị trường tín dụng nói riêng.

1.2.1.3 Nguyên tắc đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

Lãi suất vừa là giá của đồng tiền cho vay nhưng đồng thời nó cũng là cái giá cho rủi ro của bên cho vay.  Lãi suất là một trong những yếu tố quyết định trong quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng, do vậy cần phải đảm bảo được mức lãi suất hợp lý để hai bên cùng có lợi. Trong quan hệ tín dụng, khách hàng luôn ở vị thế yếu hơn so với ngân hàng; khi lãi suất huy động cao ngân hàng cho vay với lãi suất cao nhưng khi lãi suất giảm thì mức lãi suất cho vay của ngân hàng áp dụng đối với khách hàng lại giảm rất chậm thậm chí không giảm. Điều này là không công bằng đối với người đi vay. Do vậy quy định lãi suất cần đảm bảo được sự công bằng giữa khách hàng và ngân hàng, bảo vệ quyền lợi của người đi vay.

Xuất phát từ những ảnh hưởng quan trọng mà lãi suất tác động đến nền kinh tế nói chung và hoạt động của ngân hàng nói riêng, do đó mà các quy định về lãi suất cần phải đảm bảo tính công khai minh bạch. Bên cạnh việc NHNN sẽ chủ động thông tin để người dân biết về tình hình lãi suất, các văn bản pháp luật, quyết định của NHNN về các mức lãi suất khác nhau, chủ trương, quyết định điều hành của Thống đốc NHNN về lãi suất; thì người dân cũng có quyền được thông tin, tiếp cận về chính sách lãi suất, quyết định lãi suất của NHTW trong từng thời kỳ, mức lãi suất mà các ngân hàng áp dụng để kinh doanh. Hiện tại các ngân hàng đều định kỳ cập nhật khung lãi suất cho vay trong nội bộ hệ thống, bao gồm các thông tin về lãi suất cho vay áp dụng theo từng sản phẩm ứng với từng loại tài sản đảm bảo và xếp hạng tín dụng của khách hàng. Tuy nhiên, những thông tin như vậy hiếm khi được truyền đạt đến khách hàng, do đó có nhiều trường hợp khi khung lãi suất đã được điều chỉnh nhưng do khách hàng không biết nên các chi nhánh vẫn không điều chỉnh lãi suất cho khách hàng. Do vậy lãi suất cần được công khai minh bạch hóa, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tránh được những tiêu cực phát sinh. Đảm bảo công khai minh bạch cũng giúp cho việc kiểm tra, giám sát được thực hiện một cách đầy đủ, chặt chẽ và thống nhất.

Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch về lãi suất là một trong những yếu tố then chốt để hoạt động ngân hàng phát triển và cạnh tranh lành mạnh. Đây cũng là một trong những nguyên tắc cốt lõi trong khung pháp lý điều chỉnh về lãi suất.

1.2.2 Nội dung pháp luật điều chỉnh về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

Xuất phát từ tầm quan trọng của lãi suất đối với hoạt động kinh doanh của NHTM cũng như đối với nền kinh tế, vì vậy cần có những quy định của pháp luật điều chỉnh lãi suất trong hoạt động này. Thông qua các quy định của pháp luật về lãi suất, Nhà nước có thể thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển  kinh tế – xã hội. Cùng với việc đưa ra quy định và sử dụng linh hoạt công cụ về lãi suất, kết hợp với các công cụ khác như tỷ lệ dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở… Nhà nước sẽ tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động huy động vốn, hoạt động cho vay của NHTM bằng cách tạo ra các điều kiện thuận lợi hoặc hạn chế việc huy động vốn, cho vay của NHTM để phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, ổn định lạm phát. Đồng thời, thông qua việc điều chỉnh bằng pháp luật đối với lãi suất, Nhà nước có thể kiểm soát được tình hình hoạt động kinh doanh của NHTM, từ đó có những biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay pháp luật có khá nhiều quy định liên quan đến lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM, nhưng các quy định này lại nằm rải rác trong nhiều văn bản khác nhau. Văn bản quy phạm có hiệu lực cao nhất hiện nay quy định vấn đề này chính là Luật các TCTD năm 2010, Luật NHNN năm 2010, Bộ luật dân sự (BLDS) năm 2015. Ngoài ra NHNN còn ban hành một số văn bản pháp quy có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lãi suất như: Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng; Thông tư số 06/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014 quy định mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức cá nhân tại tổ chức tín dụng; Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014 quy định về lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng; Thông tư số 08/2014/TT-NHNN ngày 17/03/2014 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế; Thông tư số 18/2015/TT-NHNN ngày 22/10/2015 quy định về tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC); Quyết định số 2619/QĐ-NHNN ngày 05/11/2010 về mức lãi suất cơ bản bằng đồng Việt Nam; Quyết định số 2589/QĐ-NHNN ngày 17/12/2015 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đô la Mỹ của tổ chức cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TTNHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014; Quyết định số 2173/QĐ-NHNN ngày 28/10/2014 về mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-NHNN ngày 17 tháng 3 năm 2014; Quyết định số 496/QĐ-NHNN ngày 17/03/2014 về lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt trong thanh toán bù trừ của NHNN Việt Nam đối với các ngân hàng. Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

Như vậy các văn bản pháp luật do Nhà nước ban hành quy định về lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM là tương đối đầy đủ, cụ thể hóa được các nội dung cơ bản sau:

  • Quy định về lãi suất trong hoạt động huy động vốn và hoạt động cho vay của NHTM. Đây là quy định hết sức quan trọng để NHTM tiến hành các hoạt động huy động vốn và cho vay. Các NHTM đưa ra mức lãi suất kinh doanh và lãi suất điều hòa vốn nội bộ trong toàn hệ thống của mình trên cơ sở tuân thủ lãi suất chỉ đạo của NHTW.
  • Quy định về lãi suất trong hoạt động quản lý điều hành chính sách tiền tệ của Nhà nước. Xuất phát từ tầm quan trọng của lãi suất trong quản lý, điều hành chính sách tiền tệ của một quốc gia cần có chính sách lãi suất hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế cũng như các mục tiêu của chính sách tiền tệ
  • Các quy định thanh tra, giám sát, tuân thủ quy định về lãi suất. Lãi suất không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của NHTM mà nó còn ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng trong quan hệ tín dụng với NHTM nói riêng và đối với hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế nói chung. Do vậy Nhà nước cần có cơ chế kiểm tra giám sát tuân thủ quy định về lãi suất đồng thời cần có các chế tài, biện pháp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế, quyền lợi của các chủ thể tham gia quan hệ tín dụng, đảm bảo an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Về cơ bản, Nhà nước đã thiết lập một hành lang pháp lý tương đối đầy đủ và thông thoáng tạo cơ sở cho các NHTM tiến hành hoạt động kinh doanh trong khuôn khổ pháp luật. Đồng thời pháp luật cũng hướng tới bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, người đi vay, đáp ứng được nhu cầu gửi tiền và vay vốn của họ. Tạo cơ sở pháp lý cho NHNN thực hiện chức năng điều hành chính sách tiền tệ, quản lý giám sát hoạt động ngân hàng nói chung và lãi suất trong hoạt động kinh doanh của NHTM nói riêng vốn là một trong những yếu tố quan trọng trong hoạt động kinh doanh của NHTM.

Kết luận chương 1

Chương 1 của Khóa luận đã tập trung nghiên cứu làm rõ một số vấn đề lý luận về lãi suất và pháp luật về lãi suất trong hoạt động tín dụng của NHTM: làm rõ khái niệm lãi suất; phân loại lãi suất theo các tiêu chí khác nhau trong hoạt động tín dụng ngân hàng; một số yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất và vai trò của lãi suất trong hoạt động tín dụng ngân hàng nói riêng và đối với nền kinh tế nói chung. Chương 1 cũng đi sâu làm rõ nguyên tắc điều chỉnh pháp luật đối với lãi suất trong hoạt động tín dụng của NHTM và nội dung pháp luật điều chỉnh đối với lãi suất trong hoạt động tín dụng của NHTM, qua đó làm tiền đề nghiên cứu những nội dung sau của Khóa luận. Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM ĐẾN DỊCH VỤ: 

===>>> Khóa luận: Thực trạng về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng

One thought on “Khóa luận: Pháp luật về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng

  1. Pingback: Khóa luận: Giải pháp về lãi suất trong kinh doanh của ngân hàng

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Contact Me on Zalo
0906865464